Bệnh viên Âu Cơ

Để con phát triển toàn diện khi 4 tuổi

Đăng ngày: 11-09-2017 09:00 am

Trẻ lên 4 tuổi đã có những phát triển vượt trội về kỹ năng cầm nắm, vận động, tương tác xã hội và thể hiện cảm xúc.

Cần dạy trẻ 4 tuổi những gì để phát triển toàn diện các kỹ năng cầm nắm, vận động, tương tác xã hội và thể hiện cảm xúc? Dưới đây là câu trả lời cho các bậc phụ huynh đang đau đầu với các "cô cậu" nhà mình đây.

Các mốc phát triển của trẻ 4 tuổi

 

Trẻ lên 4 tuổi đã có những phát triển vượt trội về kỹ năng cầm nắm, vận động, tương tác xã hội và thể hiện cảm xúc.

 1. Sự phát triển kỹ năng cầm nắm ở trẻ 4 tuổi

Trẻ có thể tự đánh răng, tự chà xà phòng khi tắm, tự mặc quần áo, cũng như tự xúc ăn mà chỉ cần ba mẹ hỗ trợ chút ít.

Trẻ có thể vẽ được hình người với đủ các bộ phận tay, chân mô phỏng các thành viên trong gia đình, dù chưa rõ ràng lắm.

Trẻ có thể tự phân biệt được nhiều màu sắc khác nhau khi lên 4 tuổi rồi đó các mẹ ơi, nhưng không phải bé nào cũng phát triển kỹ năng này như nhau nên các mẹ hãy kiên nhẫn nhé.

Trẻ đã có thể cầm chổi quét nhà, bắt chước làm vườn theo ba mẹ, trồng rau, giả đóng đồ gỗ bằng dụng cụ búa nhựa an toàn được luôn, nhưng ba mẹ cũng nên lưu ý khi cho trẻ sử dụng bất kì công cụ nào nhé, vì chúng dễ gây tổn thương cho bé lắm đó.

Ngoài ra, kỹ năng cầm nắm ở trẻ 4 tuổi còn được thể hiện ở một số hoạt động khác như chơi xếp hình khối, ghép hình từ 4 miếng trở lên, xâu chuỗi hạt lớn lại với nhau, xây lâu đài cát, đổ nước vào bình to nhỏ khác nhau, thay quần áo có dây kéo, nút buộc lớn cho mình hoặc chơi búp bê, tự mình lên xuống bậc thang, di chuyển tiến lên - lùi xuống nhanh,... 

2. Sự phát triển về mặt cảm xúc ở trẻ 4 tuổi

Có thể phân biệt được giữa tưởng tượng và thực tế, có thể chơi "giả vờ".

Rất thích chơi các trò chơi bắn súng, đánh nhau, diệt yêu quái như trên phim hoạt hình mà chưa nhận thức được chúng mang tính bạo lực và nguy hiểm.

Có thể bộc lộ sự thương cảm, quan tâm, dễ gần gũi với người khác, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Bắt đầu có những tò mò về giới tính, như "Tại sao con trai lại tè đứng, con gái lại ngồi xuống?" khiến cha mẹ bối rối, trẻ biểu hiện ngại ngùng khi bị người khác nhìn thấy bộ phận sinh dục của mình.

 3. Sự phát triển về tương tác xã hội ở trẻ 4 tuổi

Bắt đầu có mong muốn làm hài lòng người khác, nhất là bạn bè.

Bắt đầu có bạn thân, mong muốn mình cũng giống như bạn.

Bắt đầu nghe theo các nguyên tắc, quy định hơn.

Thích chơi các trò chơi đóng vai như bác sĩ, kỹ sư, vợ/ chồng,...Thích hát, thích nhảy múa.

Bắt đầu thể hiện mong muốn tự lập nhiều hơn và có thể tự qua hàng xóm chơi.

Nếu có anh chị lớn hơn thì trẻ đến 4 tuổi thường rất thích các món đồ chơi, sách vở của anh chị, điều này thì lại dễ khiến anh chị bực mình, khó chịu, "méc ầm" với ba mẹ.

 4. Sự phát triển vận động ở trẻ 4 tuổi

Có thể nhảy chân sáo, thích nhào lộn.

Một số trẻ đạp được xe đạp 3 bánh.

Tự chơi xích đu, leo trèo cầu trượt mà không cần sự trợ giúp của người lớn.

Có thể đứng trên 1 chân trong 5 giây, đá bóng về trước.

Dạy cho trẻ 4 tuổi những gì để phát triển toàn diện?

1. Dạy con học cách tự xúc ăn không rơi vãi

Hãy dạy trẻ kỹ năng này càng sớm càng tốt vì đây là bước giúp con tự lập sớm, không ỷ lại, chủ quan vào sự chăm sóc, giúp đỡ từ cha mẹ và người lớn.

2. Dạy con học cách dọn cơm lên cho cả nhà

Bạn cần kiên nhẫn dạy con kỹ năng này từ những nhiệm vụ nhỏ nhất, như lấy thìa, đũa, chén và phân phát từng thành viên trong gia đình. Sau bữa cơm, hãy đề nghị con một cách nhẹ nhàng thu dọn bát đĩa của mình sau khi ăn vào mâm hoặc ngâm trong bồn rửa chén.

 3. Dạy con bày tỏ cảm xúc của bản thân

Trẻ 4 tuổi vẫn còn rất ngây thơ và chưa đủ tự tin bày tỏ bản thân, do đó, hãy tạo bầu không khí vui vẻ, thân thiện, nhiều tiếng cười để con thoải mái cảm nhận tình yêu thương và bày tỏ cảm xúc của riêng mình

4. Dạy con học cách thu dọn đồ chơi xếp gọn sách vở

Việc học cách thu dọn đồ chơi, sách vở là nhiệm vụ đơn giản mà trẻ từ 3 đến 4 tuổi đều có thể làm được, hãy kiên nhẫn rèn luyện cho con để có thói quen ngăn nắp, tự lập tốt hơn.

5. Dạy con tập đọc sách

Trẻ đã có thể đọc được tranh trong sách ngay từ 3 tuổi. Việc rèn luyện thói quen đọc sách sớm giúp trẻ phát triển trí thông minh, đồng thời không gặp khủng hoảng hay bỡ ngỡ khi bắt đầu đi học thật sự.

6. Dạy con về ý nghĩa của sự thất bại

Sự động viên, khuyến khích của cha mẹ dành cho con vào giai đoạn này rất quan trọng, nó giúp trẻ không sợ hãi thất bại, hạn chế tái phạm và tự tin vào bản thân hơn.

 7. Dạy con phụ giúp mẹ công việc nhà

Bạn có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ như nhẹ nhàng đề nghị con phụ mang đồ đi chợ vào nhà cho mẹ, phân loại rau củ cho mẹ, thậm chí nhặt rau nếu con biết. Và đặc biệt, hãy kiên nhẫn chứ đừng la mắng con nha.

 8. Dạy con tự mang giày dép của mình

Ở độ tuổi lên 4, nhiều bé vẫn chưa biết phân biệt các phương hướng, do đó, cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng đúng trái, phải cho con. Bạn chỉ cần bắt đầu với nhiệm vụ đơn giản là tập cho con phân biệt được chiếc giày/ dép nào mang bên trái, chiếc nào mang bên phải và tự xỏ chân mình vào. Hẳn các "cô cậu nhỏ" này sẽ rất thích được tự lập khi mang giày đi học đó nha!

 9. Dạy con mời ba mẹ, ông bà, người thân khi ăn cơm

Đây không những là một kỹ năng phát triển tương tác giữa các thành viên trong gia đình, mà còn là một phép lịch sự của truyền thống người Việt Nam. Việc dạy trẻ mời cơm ba mẹ, ông bà, người thân trong bữa cơm sẽ giúp con phát triển hoàn thiện về nhân cách khi trưởng thành.

10. Dạy con vẽ tự do

Trẻ 4 tuổi chưa thể vẽ được một hình khối cụ thể nào, và tốt hơn hết là hãy cứ để con tự do sáng tạo vẽ những gì mình muốn, mình thích, cha mẹ có thể ngồi cạnh bên đặt thêm câu hỏi định hướng ý tưởng cho con để kích thích khả năng sáng tạo và tư duy hoàn thiện.

Dạy trẻ 4 tuổi học những gì để phát triển toàn diện - câu hỏi này đã dễ trả lời hơn rồi đúng không nào! Cha mẹ không nên lo lắng quá và tự bó buộc mình vào một khuôn mẫu dạy con, hãy cứ tự do thoải mái để bé tự nhiên làm những điều mình muốn. Vai trò của bạn là định hướng và đồng hành cùng con thực hiện các nhiệm vụ, đừng để con phải lớn lên một mình, cha mẹ nhé!

Nguồn: Tạp chí Bầu